Tin hoạt động đoàn thể
.
Ngày 24-11, tại Tòa nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và 600 đại biểu là các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp; các nhà khoa học, nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu trong cả nước. Hội nghị diễn ra bằng hình thức trực tuyến giữa điểm cầu chính ở TP. Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đảng ủy KBNN Hà Nội đã tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến qua điểm cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội đến toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ KBNN Hà Nội.
Tham gia Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc KBNN Hà Nội, các đồng chí trong BCH Đảng ủy, Ban Lãnh đạo, các đồng chí Bí thư các chi bộ, Lãnh đạo các phòng, Lãnh đạo các tổ chức đoàn thể cùng toàn thể đảng viên cơ quan KBNN Hà Nội. Hội nghị diễn ra trong 01 ngày, bắt đầu từ 8h00 ngày 24/11/2021.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Từ ngày thành lập đến nay, Đảng luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, cần xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân, tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân. Đồng thời, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số...
Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư đề nghị cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Hai là, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại,...
Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ,…
Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng,...
Năm là, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh,...
Sáu là, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe gần 20 bài phát biểu, tham luận của các ban, bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa... Qua đó, làm rõ vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, những thành tựu to lớn cũng như hạn chế, yếu kém, tồn tại phải giải quyết, nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót và giải pháp khắc phục.
Hội nghị học tập, phổ biến, quán triệt được tổ chức nghiêm túc, khoa học, thực chất, hiệu quả và an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Một số hình ảnh tại Hội nghị: